Giới thiệu

Phúc Thọ là một huyện đồng bằng phía tây thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 35 km, có diện tích 117km2, dân số trên 19,5 vạn người. Địa bàn huyện nằm bên bờ hữu ngạn của sông Hồng. Phía tây huyện giáp thị xã Sơn Tây, phía nam giáp huyện Thạch Thất, phía đông nam giáp các huyện Quốc Oai và Hoài Đức, phía đông giáp huyện Đan Phượng. Ở phía đông, ranh giới giữa huyện Phúc Thọ với huyện Đan Phượng và Hoài Đức là sông Đáy. Về phía bắc, bên kia sông Hồng, huyện Phúc Thọ còn có một phần đất tiếp giáp với huyện Yên Lạc, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Mê Linh.

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, Phúc Thọ có diện tích đất nông nghiệp lớn 7.471 ha, chiếm 64% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó đất phù sa ven sông Hồng được bồi đắp từ lâu đời là 519 ha. Đê Đại Hà tạo thành ranh giới phân chia huyện thành hai vùng sản xuất khác nhau: vùng bãi gồm 10 xã, vùng đồng gồm 12 xã và 1 thị trấn.

Địa hình Phúc Thọ đa dạng nhưng nhìn chung bằng phẳng, độ cao giữa các vùng không đáng kể, hướng thấp dần từ tây bắc xuống đông nam. Lớp thổ nhưỡng trên địa bàn huyện được bồi đắp phù sa hằng năm, trung tính, ít chua. Huyện Phúc Thọ nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, mùa đông lạnh và hanh khô, nhiệt độ trung bình hằng năm là 23 độ C, độ ẩm tương đối là 88%. Tổng số giờ nắng trung bình trong năm khoảng 1.000 – 1.200 giờ. Lượng bức xạ phong phú, nền nhiệt cao là điều kiện thuận lợi giúp cây trồng phát triển, cây ăn quả và cây lương thực ngắn ngày quay vòng nhanh, tạo nên tính đa dạng sinh học…

Trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 3 con sông chảy qua, gồm sông Hồng, sông Đáy và sông Tích. Sông Hồng phần chảy qua huyện có chiều dài trên 15 km với nguồn nước rất lớn, đặc biệt là về mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9. Sông Hồng vừa cung cấp nguồn nước cho hầu hết diện tích đất canh tác vùng đồng qua trạm bơm Phù Sa, một phần đất vùng bãi qua trạm bơm Xuân Phú, vừa là giao thông đường thuỷ rất quan trọng và thuận lợi cho địa phương.

Sông Đáy đoạn chảy qua địa phận Phúc Thọ xưa kia được gọi là sông Hát với chiều dài khoảng 10km, cung cấp nguồn nước tưới cho nhiều xã vùng bãi, như Thanh Đa, Tam Thuấn, Liên Hiệp, Hiệp Thuận… Ở phía tây huyện có dòng sông Tích chảy qua với chiều dài khoảng 12 km, bắt nguồn từ các suối của vùng núi Ba Vì. Sông Tích có đặc điểm nhỏ, lại khúc khuỷu, dòng nước không mạnh, thuận lợi cho nhân dân dùng thuyền đánh bắt thuỷ sản và phát triển giao thông vận tải; đồng thời cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích đất canh tác của các xã Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc, Thọ Lộc, một phần thị trấn Phúc Thọ và xã Phúc Hoà. Nhìn chung, hệ thống các con sông chảy qua trên địa bàn huyện đã tạo thuận lợi cho kinh tế và giao thông đường thuỷ sớm phát triển, vừa cung cấp nước tưới cho đồng ruộng, vừa có vai trò tiêu úng qua hệ thống cống lấy nước, hoặc các trạm bơm kết hợp tưới tiêu; ngoài ra còn có tác dụng phân lũ cho sông Hồng khi mực nước vượt mức báo động…

Do nằm trên lưu vực của các con con sông lớn, Phúc Thọ còn có nhiều ao, hồ đầm với diện tích 416,2 ha, trong đó lớn nhất là đầm Cùng rộng 170 ha. Hệ thống ao, hồ, đầm này có vai trò quan trọng trong hệ thống thuỷ văn, lưu giữ khối lượng nước khá lớn đáp ứng nhu cầu trong đời sống và sản xuất. Đây cũng là thuận lợi để Phúc Thọ phát triển ngành nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản…

Nhìn chung, đất đai, địa hình và khí hậu của huyện Phúc Thọ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp trồng lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

Về giao thông, đóng vai trò mạch máu hàng đầu trên địa bàn huyện Phúc Thọ là Quốc lộ 32. Từ quận Cầu Giấy – Hà Nội, Quốc lộ 32 đi qua quận Bắc Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức, huyện Đan Phượng rồi đến huyện Phúc Thọ. Trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Quốc lộ 32 có chiều dài gần 20 km, chạy từ phía nam huyện theo hướng đông – đông nam và tây – tây bắc, như một sợi chỉ nối liền các xã trong huyện thành một hệ thống liên hoàn. Sau khi đi qua Phúc Thọ, Quốc lộ 32 tiếp tục qua thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, sau đó lần lượt đi qua các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu với tổng chiều dài 415 km. Quốc lộ 32 là cửa ngõ ra vào giữa đồng bằng Bắc bộ với vùng trung du và miền núi phía Bắc, có vị trí quan trọng đặc biệt về kinh tế và an ninh quốc phòng.

Ngoài Quốc lộ 32, Phúc Thọ còn có tỉnh lộ 417, 418, 419 nối liền Phúc Thọ với các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và vùng Cổ Đông – Sơn Tây ra đại lộ Thăng Long và đường Hồ Chí Minh. Tỉnh lộ 418 (đường 82 cũ) chạy qua xã Trạch Mỹ Lộc, nối với Quốc lộ 21A và đường Hồ Chí Minh từ thị xã Sơn Tây qua Hòa Lạc, Quốc Oai, Xuân Mai, Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá… Sau khi được nâng cấp, tỉnh lộ 418 ngày càng đóng vai trò quan trọng về giao thông và giao thương giữa Phúc Thọ với các địa phương phía tây và phía nam. Hệ thống giao thông này tạo điều kiện thuận lợi cho Phúc Thọ trong quá trình giao lưu, liên kết với trung tâm thành phố Hà Nội và các đô thị, quận, huyện, thị, tỉnh, thành lân cận.

Đặc điểm nổi bật hàng đầu của huyện Phúc Thọ là vị trí cầu nối giữa thành phố Hà Nội với thị xã Sơn Tây. Phúc Thọ tiếp liền thị xã Sơn Tây ở ba mặt bắc, đông và nam. Về phía nam, thị trấn Phúc Thọ cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km. Thị xã Sơn Tây từng là thủ phủ của xứ Đoài xưa, một vùng đất có vị trí trọng yếu, là hậu cứ bảo vệ Thăng Long – Hà Nội. Phúc Thọ vừa là vành đai của thị xã Sơn Tây, vừa nằm trên vành đai bảo vệ Hà Nội, là địa bàn xung yếu bảo vệ tuyến Quốc lộ 32, đê sông Hồng và đường thuỷ sông Hồng nối liền Hà Nội với thị xã Sơn Tây. Bên cạnh đó, Phúc Thọ còn nằm trên vùng đất có vị trí chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du Bắc bộ.

0