Bỏ việc ở thành phố, vợ tiến sỹ nông nghiệp Nguyễn Đức Chinh đầu tư xây dựng trang trại trồng rau hữu cơ tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), với mục đích mang lại thực phẩm sạch, an toàn cho mọi người.
Tại xã Hiệp Thuận, Phúc Thọ, Hà Nội, nông trại GenXanh của anh Chinh có diện tích hơn 2 ha được 4 kỹ sư nông nghiệp thành lập, với mong muốn đem rau hữu cơ an toàn, đảm bảo sức khoẻ và tiếp cận gần hơn với người dân.
Anh Chinh (sinh năm 1982) là tiến sĩ sinh học tại Nhật cùng chị Duyên (sinh năm 1983) là thạc sĩ nông nghiệp tại Australia. Nhiều năm ấp ủ mong muốn gây dựng nông trại với quy mô rau hữu cơ. Năm 2019, từ mảnh đất hoang tàn anh chị cùng với 2 đồng nghiệp của mình cũng là kỹ sư nông nghiệp khai hoang và bắt đầu phủ xanh mảnh đất với nhiều loại rau khác nhau. Ban đầu công việc gặp không ít khó khăn như thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh khiến cuộc sống của anh chị có gặp nhiều trở ngại.
Rau trồng tại đây được anh chị đưa ra với tiêu chí 5 không (không thuốc bảo vệ thực vật hoá học, phân bón hoá học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng, biến đổi gen).
Sau khoảng thời gian 2 năm làm nông nghiệp chị Duyên sụt 5 kg, còn anh Chinh từ một người đàn ông trắng trẻo cũng trở nên đen nhẻm. Ngoài công việc chính là chăm sóc rau tại nông trại, anh Chinh còn là người vận chuyển rau trên khắp địa bàn Hà Nội, có ngày anh Chinh đi có thể lên đến hơn 100km.
Theo anh Trần Văn Luyện (sinh năm 1987, An Khánh, Hà Nội) người đồng hành cùng anh Chinh và chị Duyên cho biết: “Rau tại vườn không dùng các chất hoá học, nên 8 công nhân tại đây đều phải làm thủ công các bước như: bắt sâu, cắt cỏ, gốc nào cỏ có cây con thì cắt bằng tay, gốc nào không có cây bé thì có thể cắt bằng máy, rồi dùng máy xới đất lên để hạn chế tốc độ sinh trưởng của cỏ dại”.
Để tiết kiệm chi phí các hệ thống dẫn nước ngầm tại đây đều được anh Chinh tự mày mò nghiên cứu và lắp đặt như đào giếng, xây bể lọc nước, kéo điện,…
Những loại rau củ hỏng không thể dùng được thì sẽ gom vào thành một góc, công nhân sẽ phân loại mang đi ủ và sử dụng làm phân bón cho rau.
Rau củ, hoa màu tại đây được dùng bởi các loại phân ủ thủ công khác nhau như: đạm trứng, đạm cá, dịch chuối…
Sau khi phân ủ thành phẩm, công nhân sẽ dùng tay bóp vụn, làm tơi để bón cho từng luống cây.
“Tại đây có hơn 100 loại rau củ khác nhau nhưng nông trại sẽ tập trung rau theo mùa nhiều hơn. Như trời miền Bắc vào mùa đông, thì chúng tôi sẽ tập trung trồng cà rốt, bắp cải, dưa chuột. Còn mùa hè thì trồng rau dền, rau muống, theo nguyên tắc mùa nào thức nấy”, anh Luyện nói.
Ngoài ra nông trại còn bán những cây giống để đáp ứng tiêu chí “rau sạch tại nhà” của người dân.
Không chỉ cung cấp rau sạch ra thị trường anh Chinh, chị Duyên còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đặc biệt hơn nữa tại đây còn có 2 người khuyết tật, 1 người câm, 1 người điếc họ là chị em ruột của nhau, mọi người giao tiếp với nhau bằng cử chỉ và nhìn khẩu hình miệng.
Không khí ở đây lúc nào cũng cảm thấy nhộn nhịp, vì mọi người luôn trò chuyện, bảo ban nhau làm việc. “Đi làm cảm thấy vui – trẻ – khoẻ, ở nhà nhiều cũng cảm thấy ngứa ngáy chân tay, đến đây chị em chung tay làm việc tôi cảm thấy rất phấn khởi”, người phụ nữ chia sẻ.
Trải qua nhiều khó khăn ban đầu, hiện nay nông trại là nơi cung cấp rau hữu cơ cho nhiều khách hàng lẻ khác nhau và một số nhà hàng, siêu thị mini trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội.
(Trích nguồn Tienphong.vn)